Các dòng sản phẩm công nghệ xanh của VIGLACERA đang tiên phong dẫn dắt thị trường. Bắt kịp thế giới Công nghệ cho phép tạo ra những dòng sản phẩm mới, những sản phẩm có kích thước ưu việt hơn, những bề mặt sản phẩm tùy theo tính năng mà định dạng. Năm 2003, viên gạch cotto Hạ Long lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, là nhà máy thứ 3 trên thế giới sau nhà máy tại Mexico và Bồ Đào Nha, được coi là sản phẩm đỉnh cao của công nghệ VLXD đất sét nung trên dây chuyền công nghệ Ý, thiết kế lò sấy cao tần gắn với lò nung thanh lăn, tạo nên công nghệ sấy nung nhanh gạch đất sét nung bản mỏng. Sau 2 năm, viên gạch này đã đạt doanh thu tiêu thụ gần 300 tỷ đồng, xuất khẩu gần 2 triệu USD. Ngày nay, Viglacera Hạ Long đã và đang sản xuất quy mô lớn gạch Cotto đủ màu sắc ngoài gam màu đỏ hồng truyền thống. Gạch Cotto màu vàng, màu tro, nâu, xanh… đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, hiện diện trên nhiều công trình kiến trúc bằng chất lượng cao, màu sắc tự nhiên. Và không dừng ở đó, đầu năm 2016, Nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy – Viglacera Hạ Long đã cho ra đời những sản phẩm sản xuất thành công tấm treo kích thước 308 x 592 x 24, chắp cánh cho viên gạch đỏ vốn dĩ là gạch lát thành những tấm gạch ốp hiện đại nhất thế giới. Một trong những ngành sản xuất VLXD nhanh chóng bắt kịp công nghệ tiên tiến của thế giới là ngành sản xuất xi măng.
Theo TS Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam thì so với các nước trong khu vực và trên thế giới, công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam thuộc loại tiên tiến, là những dây chuyền công suất lớn 11.000 – 13.000 tấn clinker/ngày, sản xuất trên dây chuyền thiết bị lò quay phương pháp khô, tháp trao đổi nhiệt, hệ thống tiền nung, làm lạnh clinker bằng vi quay, máy nghiền đứng, hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi. Điển hình các dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay phải kể đến Dây chuyền 2 của Nhà máy Xi măng Công Thanh. Dự án có tổng số vốn lên đến 510 triệu USD với quy mô công suất 12.500 tấn clinker/ngày, là dây chuyền lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những dây chuyền sản xuất clinke lớn nhất thế giới. Nhờ đổi mới công nghệ, xi măng Việt Nam đã đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Năm 2015, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ đạt 72 triệu tấn, xuất khẩu gần 16 triệu tấn, đạt giá trị doanh thu xuất khẩu trên 667 triệu USD. Dẫn dắt thị trường Rõ ràng công nghệ tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu cao hơn của thị trường, thậm chí xóa bỏ lối mòn tư duy, thẩm mỹ trong mọi chủ thể. Nhiều công trình, nhiều kiến trúc sư, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận thay đổi thiết kế, thay đổi vật liệu dự kiến sang các loại vật liệu mới lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường nhưng đã được gắn mác bảo đảm bằng một quy trình công nghệ hiện đại. Nhìn lại chặng đường đầu tư đổi mới công nghệ 1 – 2 thập kỷ qua cho thấy lựa chọn công nghệ cao là giải pháp khôn ngoan mang lại thành công cho các nhà đầu tư, tạo sức bật cho nền kinh tế, thực sự là hướng đi lâu dài và bền vững cho DN. Dẫu biết rằng đầu tư công nghệ mới, công nghệ cao là đầu tư tốn kém và không đơn giản nhưng nếu chớp được thời điểm và lựa chọn kỹ lưỡng thì tỷ lệ thành công rất cao. Ngay cả hiện nay chúng ta chưa thể khẳng định rằng nhà đầu tư đã tìm được công nghệ tốt nhất. Nhưng tư duy coi trọng công nghệ đã hình thành và ăn sâu trong tiềm thức của DN và nhờ đó, chúng ta đang có một thị trường VLXD với những sản phẩm mới chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường, chắp cánh cho ngành VLXD Việt Nam chinh phục thị trường xuất khẩu.
Nhờ đổi mới công nghệ, xi măng Việt Nam đã đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Năm 2015, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ đạt 72 triệu tấn, doanh thu xuất khẩu trên 667 triệu USD. |